Hi, xin chào các bạn. Thật tình cờ khi gần đây mình được khá nhiều bạn liên hệ để hỏi mình về CFA. Có thể nói CFA chính là 1 phần thanh xuân của mình. Khoảng thời gian gắn bó với CFA mình thấy rất đẹp và ý nghĩa. Bẵng đi 1 time dài khi loay xoay với bộn bề cuộc sống, gia đình và công việc, mình quên đi bản thân cũng từng có giai đoạn học hành hăng say như thế nào. Và hôm nay cảm giác đã nhận được tín hiệu vũ trụ gửi tới: Hãy nói đi, hãy viết đi, hãy chia sẻ về CFA đi. Và thế là vài dòng tâm sự nho nhỏ này ra đời như là món quà mình dành tặng cho các bạn nào đang muốn bắt đầu chinh phục con đường CFA. Chỉ là một chút chia sẻ về chặng đường mình đã từng trải qua. Mong rằng sẽ tiếp được động lực cho các bạn trong quá trình chinh phục đỉnh núi CFA này nhé.
Nào chúng ta hãy cùng bắt đầu thôi
Để biết được bản thân có nên theo đuổi chương trình này hay không, mình cho rằng các bạn phải thực hiện bước đầu tiên đó là nghiên cứu kỹ lưỡng về chương trình. Và không gì tốt hơn là hãy tìm kiếm thông tin từ các nguồn chính thức. Các bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu tất tần tật thông tin của chương trình này tại website chính thức của hiệp hội: https://www.cfainstitute.org
Sau đó click chọn CFA Programs trong tab Programs ngay trên màn hình
Các bạn sẽ nhìn thấy các thông tin như: Tại sao chúng ta nên chọn chương trình CFA, cách thức để đăng ký tham gia kỳ thi, toàn bộ nội dung của chương trình học, …
Hãy từ từ nghiên cứu để cảm nhận quy mô cũng như hàm lượng kiến thức mà các bạn sẽ được tiếp nhận từ chương trình này. Trên đây cũng giới thiệu cụ thể nội dung của từng level. Ví dụ ở level 1, các môn học của chúng ta sẽ bao gồm: Ethical and Professional Standards (Đạo đức và các chuẩn mực nghề nghiệp); Quantitative Methods (Định lượng); Economics (kinh tế học); Financial Statement Analysis’ (Phân tích báo cáo tài chính); Corporate Issuers (Tài chính doanh nghiệp); Equity Investments (đầu tư cổ phiếu); Fixed Income (Trái phiếu); Derivatives (Phái sinh); Alternative Investments (Đầu tư thay thế) Portfolio Management (Quản lý danh mục đầu tư).
Đơn cử đối với nội dung về ethical and professional standards, thì tại level 1 sẽ tập trung vào kiểm tra kiến thức của chúng ta về các chuẩn mực này. Tuy nhiên với mức độ của level 2 sẽ là kiểm tra cách các bạn ứng dụng các chuẩn mực này vào một số tình huống thực tế và cuối cùng ở level 3 sẽ kiểm tra chúng ta đối với việc áp dụng các chuẩn mực này trong bối cảnh là chúng ta đang quản lý danh mục đầu tư nào đó. Level 1 của CFA thông thường chỉ đòi hỏi bạn hiểu và áp dụng các kiến thức tổng quan của thị trường, các công cụ tài chính và phương pháp phân tích. Nhưng không lo, họ chưa đến mức buộc bạn phải trở thành siêu nhân phân tích tài chính đâu! Cấp độ khó của các level cứ tăng dần và ngày càng tập trung vào lĩnh vực đầu tư.
Ngoài ra, chúng ta cũng hoàn toàn có thể đọc một vài example để xem thử mức độ phù hợp về kiến thức cũng như tư duy của mình đối với chương trình này.
Bên cạnh website chính thức của hiệp hội thì hiện nay các bạn cũng có thể tìm hiểu rất nhiều thông tin về chương trình CFA của các trung tâm dạy học CFA trên mạng.
Sau khi tìm hiểu các thông tin và nếu quyết định của các bạn là sẽ theo đuổi chương trình này thì hãy bắt đầu tiếp Bước 2: Lựa chọn giáo trình học và phương pháp học phù hợp
Ở đây mình nhấn mạnh lại việc lựa chọn giáo trình này phụ thuộc khá nhiều vào thời lượng mà các bạn có thể đầu tư cho chương trình
Cụ thể, một trong những tài liệu không thể bỏ qua chính là giáo trình chính thức của chương trình mà chúng ta gọi là curriculum. Các bạn sẽ có được giáo trình này sau khi đăng ký thi tại website. Ngoài ra có một tài liệu phổ biến khác mà mọi người cũng hay sử dụng là schweser notes. Với cá nhân mình, tại level 1 và level 2 mình đều sử dụng cuốn notes này khá hiệu quả nên việc các bạn sử dụng nó như tài liệu ôn chính thức thì cũng không vấn đề gì. Tuy nhiên rõ ràng nếu có thời gian hơn thì việc đọc và học curriculum chắc chắn là rất bổ ích.
Từ giáo trình mà các bạn đã lựa chọn, hãy tiếp tục xây dựng cho mình một phương pháp học phù hợp. Và phương pháp mình muốn giới thiệu ở đây được chia làm 4 bước nhỏ theo thứ tự:
(1) Đoc sách: Tóm tắt bài theo dàn ý sơ lược
(2) Viết lại bài theo cách hiểu của mình: chi tiết hóa từng ý trong bài theo tư duy của chính bạn. Điều sẽ giúp các bạn không chỉ hiểu mà còn nhớ kiến thức rất sâu.
(3) Làm bài tập: làm các ví dụ của từng mục nhỏ và bài tập cuối sách
(4) Notes: Tổng kết bài học theo 2 dạng lớn: các ý chính về lý thuyết + các dạng bài tập điển hình
Hãy học lần lượt từng môn, từng bài trong các môn theo thứ tự như trên. Sau đó đến giai đoạn ôn tập, nhiệm vụ của chúng ta là chỉ cần review phần notes số (4)
Sau 2 bước quan trọng trên, bước thứ 3 mà mình cho là chìa khóa chính để các bạn có thể vượt qua kỳ thi này đó chính là thiết lập kỷ luật học và một thời khóa biểu phù hợp. Bản thân mình cũng đã phải ép bản thân vào nền nếp để có thể tuân thủ các giờ học theo khóa biểu mình tự tạo ra.
Nguyên tắc xây dựng: phải thật hợp lý với quỹ thời gian của bản thân, đừng thiết lập thời gian quá chi tiết và chặt chẽ vì điều đó dường như bất khả thi đối với đa số người. Hãy thiết lập một thời gian biểu linh hoạt theo kiểu: 1 hoặc 2 tuần cho 1 môn học. 1 – 2 tiếng mỗi ngày. Hãy dự trù một lượng thời gian trống nhất định cho các back-up plan trong trường hợp có việc đột xuất. Và quan trọng là chúng ta cần nhớ rằng, hãy duy trì thói quen đều đặn chứ đừng dồn học thật nặng vào một ngày nào đó. Điều này sẽ tốt hơn tính về dài hạn.
Và còn chần chừ gì nữa, hãy bắt tay vào học với 3 bước như trên các bạn nhé.
Trong quá trình bắt đầu nếu thấy khó khăn hay cần gì chia sẻ, đừng ngại và liên hệ với mình. Hi vọng sẽ có thể hỗ trợ các bạn thêm chút nào đó. Hẹn các bạn ở bài sau mình sẽ viết về việc lựa chọn thứ tự đối với 10 môn học CFA tại từng level cũng như cách tiếp cận các môn học như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.